Chuyện của Vinh... Chuyện của bóng đá Việt Nam...

Đêm Chủ nhật vừa qua, Công Vinh đã lần đầu tiên được HLV Mota tung ra sân ở giải VĐQG Bồ Đào Nha trong trận đấu giữa Leixoes và U.Leiria…

Từ chuyện của Vinh…


Ở khía cạnh nào đó thì đây đúng là một cột mốc của bóng đá Việt Nam. Lần đầu tiên chúng ta có một cầu thủ được thi đấu ở một giải VĐQG Châu Âu, mà lại là Bồ Đào Nha hẳn hoi – nền bóng đá hiện xếp thứ 10 theo BXH của UEFA. Như thế, quả đúng là đáng tự hào lắm chứ.

Thế nhưng, để đẩy lên thành một sự kiện lịch sử thì có có phần quá đáng. Thứ nhất, Leixoes và T&T Hà Nội từ trước đã đạt được thỏa thuận để Công Vinh ra sân (thế mới có chuyện bầu Hiển ở Việt Nam mà phán Vinh sẽ ra sân trong trận gặp Porto như thánh sống). Thế nên, chuyện Vinh sẽ được đá gần như là điều chắc chắn, nếu không phải là trận gặp U.Leiria thì cũng sẽ là một trận đấu khác mà thôi.

Thứ hai, ở thời điểm này HLV Mota cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác. Bởi Leixoes hiện đang bị khủng hoảng lực lượng. Nên biết rằng, ở trận đấu với U.Leiria vừa qua, ông không thể tung vào sân tiền đạo số 1 Pouga, nhạc trưởng Nuno Silva (bị treo giò), trong khi tiền đạo Faioli cũng chưa bình phục chấn thương (ngoài ra Leixoes còn có tới 4-5 cái tên khác vẫn đang chấn thương dài hạn).

Thứ ba nữa, được đá chính ở Leixoes cũng chẳng có gì đáng ầm ĩ. Nếu nhìn qua lăng kính mà Tài Em và Tuấn Phong đã nhận xét “nhiều cầu thủ của CLB Leixoes có trình độ còn kém xa so với những ngoại binh đang thi đấu tại V-League” trong chuyến đi Bồ chữa bệnh vừa qua.



Như đã phân tích ở trên thì việc Vinh không được ra sân mới là chuyện lạ. Chứ chẳng có gì mà phải đưa lên tận mây xanh như kiểu một sự kiện để đời. Người ta cố tình quan trọng hóa nó lên bằng những điều giật gân như kiểu: “Vinh đã trọn 90 phút, Leixoes giành chiến thắng” hay “Vinh ra sân, Leixoes hạ đội bóng cũ của Mourinho”…

Trong khi, thực ra, Vinh dù sao cũng chỉ là 1 trong số 11 cầu thủ Leixoes có mặt trên sân. Thậm chí anh còn không hề có đóng góp trực tiếp nào trong 3 bàn thắng của đội nhà. Còn đối thủ U.Leiria đúng là từng được Mourinho dẫn dắt hồi đầu sự nghiệp, nhưng giờ cũng chỉ thuộc dạng thường thường bậc trung hệt như Leixoes, thế thôi!

Lại càng chẳng có chuyện ở Bồ Đào Nha giới truyền thông nước này rúng động về việc Vinh đá chính như một vài tờ báo trong nước đã đưa tin. Đơn giản bởi, ở Việt Nam, Vinh có thể là số 1, nhưng trên đất Bồ tiền đạo xứ Nghệ chỉ là cái tên vô danh, có ra sân cũng thế mà không thì cũng vậy mà thôi. Hơn nữa, Leixoes cũng chẳng phải các đại gia như Porto, Benfica hay Sporting mà người ta phải để ý, phải nhắc đến hàng ngày, hàng giờ.

…đến chuyện của bóng đá Việt Nam

Sự kiện này phần nào nói lên căn bệnh mãn tính ở Việt Nam. Dường như lâu nay chúng ta đã quen với việc tự hạ thấp khả năng của mình. Để rồi khi mới đạt được thành tích dù chỉ cỏn con đã vỗ ngực tự đắc, tự AQ mình thế đã là khủng khiếp lắm rồi.

Thế mới có chuyện, khi xuất hiện thông tin Vinh được qua Bồ thi đấu, nó đã được làm rùm beng lên, nhưng lại chẳng ai để ý Vinh được Leixoes trả lương bao nhiêu. Được trả lương là điều hoàn toàn chính đáng và quan trọng khi ai đó bỏ ra sức lao động. Thế mà người ta lại không thèm quan tâm đến, cứ như kiểu được sang Bồ thế là đã tốt lắm rồi, thế đã là một ân huệ người ta dành cho mình rồi, còn đòi hỏi gì nữa. Nghĩ mà thấy buồn!

Chỉ cần nhìn ra khu vực Đông Nam Á thôi là đã thấy việc Vinh được ra sân chỉ là một chuyện quá bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường.

Này nhé, người đang giữ kỉ lục ghi bàn trong lịch sử Barca hùng mạnh là một tiền đạo… người Philippines - Paulino Alcántara. Ông đã ghi được tới 357 bàn trong 357 trận khoác áo Barca từ năm 1912-1927, một thành tích mà có lẽ các hậu bối như Messi, Ibra… có chạy dài cũng chẳng theo nổi.

Singapore thì có huyền thoại Fandi Ahmad, người được Ajax Amsterdam mời sang học việc năm 1982 và được tập luyện bên cạnh Marco van Basten. Về sau, Fandi Ahmad đã kí HĐ với CLB Hà Lan Groningen. Trong màu áo Groningen, Fandi Ahmad còn đã ghi bàn vào lưới Inter Milan ở Cup Châu Âu (giúp Groningen hạ gã khổng lồ của bóng đá Italia 2-0). Dù chỉ chơi cho Groningen vỏn vẹn 2 mùa, chân sút người Singapore vẫn được được CĐV đội bóng này chọn làm 1 trong 25 cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử, thậm chí còn được bầu vào đội hình tiêu biểu thế kỷ 20 của CLB. Điều đó thừa đủ cho thấy màn trình diễn của Ahmad tại Hà Lan chói sáng như thế nào, chứ chẳng hề chỉ gói gọn trong cái gọi là được-đá-trọn-vẹn-90-phút.


Hy vọng Công Vinh sẽ chứng tỏ được tài năng trong màu áo Leixoes

Rõ ràng, Vinh nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung hoàn toàn vẫn còn có thể phát triển cao hơn nữa. Nếu chúng ta không tự bó buộc, trói chân mình trong những cái ao làng của sự tự mãn cũng như tự ti.

Chữ nhẫn của Vinh

Hi vọng Vinh sẽ không bị chìm nghỉm trong những lời lẽ văn hoa, tán dương của giới truyền thông trong nước. Trận đấu với U.Leiria dù sao cũng mới chỉ là bước đi chập chững của CV9 trên đất Bồ.
Trong quá khứ, người ta từng nói vui rằng, trời không thương Vinh, khi sinh ra Quyến ở cùng đội với anh. Quyến có những phẩm chất thiên phú, trong khi Vinh từng không được đánh giá cao ở các đội U của Sông Lam.

Nhưng Vinh chẳng vì thế mà buông xuôi, anh vẫn bền bỉ tập luyện, tích lũy. Sự nhẫn nại không biến Vinh thành kẻ cam chịu tầm thường. Mà giúp anh trở thành chiếc lò xo bị nén đến giới hạn tột cùng, rồi bật ra với sức mạnh phi thường. Để khi cơ hội đến, Vinh nhanh chóng bứt ra khỏi cái bóng khổng lồ của người đàn anh. Thành công của Công Vinh hôm nay, phần nhiều là nhờ sự khổ luyện, khát vọng vượt lên trên số phận.

Có thể thấy tình cảnh của anh ở Leixoes hiện nay là khá giống khi mới gây dựng sự nghiệp ở SLNA trước đây. Mong rằng Vinh lúc này đã ở trên đỉnh cao của danh vọng (tất nhiên là ở Việt Nam) vẫn chưa mất đi những phẩm chất đã làm nên cái tên CV9. Nếu làm được điều đó, hoàn toàn có thể hi vọng rằng, phía trước của Vinh là cả bầu trời.

Còn nếu không, nếu vẫn là những lời than thân, trách phận kiểu như bị đối xử tệ, đồng đội không hợp tác…thì chuyến đi Bồ cuối cùng cũng chỉ đơn giản là một kiểu du lịch đổi gió mà thôi!

Nguồn: Bóng đá số

0 comments

***
Bạn có thể sử dụng các tài khoản tại Blogger, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, hoặc Ẩn danh để đưa ra nhận xét. Đơn giản hơn bạn có thể chọn Tên/URL (có thể bỏ trống URL) để có thể để lại danh tính.

Next posts Next posts Home page